Home » » Ấn tượng đọng lại Lễ hội Hoa Anh Đào và Mai vàng Yên Tử

Ấn tượng đọng lại Lễ hội Hoa Anh Đào và Mai vàng Yên Tử

Lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, Hạ Long 2016 dự kiến diễn ra từ ngày 18 đến 21-3, nhưng thực tế đã kéo dài đến hết ngày 22-3, thu hút trên 70.000 lượt nhân dân, du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng lãm. Nhiều người đánh giá, Lễ hội năm nay được tổ chức trang trọng, quy mô lớn và có nhiều nét mới so với các mùa lễ hội trước.

Quy mô, đặc sắc
Ngay trước giờ khai mạc Lễ hội, rất đông nhân dân, du khách đã đổ về Quảng trường 30-10 chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hai loài hoa anh đào Nhật Bản và mai vàng Yên Tử. Lễ hội năm nay khá đặc biệt bởi số lượng cây hoa anh đào nhiều hơn mọi năm (50 cây); cây to, cao trung bình 3,5m, rất sai hoa và đều là cây thật. Ngoài ra, Ban tổ chức còn bố trí hàng trăm cành anh đào cắm trong các bình lớn xếp xen kẽ. Thật xứng danh là “Quốc hoa” của Nhật Bản, những bông hoa anh đào bung nở hồng rực làm mãn nhãn người xem.
Lần đầu tiên, mai vàng Yên Tử gia nhập một lễ hội hoa, song cũng không kém cạnh về vẻ đẹp, màu sắc. 80 cây mai vàng Yên Tử được chuyển từ TP Uông Bí về TP Hạ Long, có cây to, tán rộng, có cây được uốn tỉa dáng thế..., tất cả đang trong kỳ nở rộ khoe sắc vàng rực rỡ. Ban Tổ chức khéo léo sắp xếp hoa anh đào và mai vàng xen kẽ, thêm hàng trăm chậu cây, hoa cảnh trong một không gian rộng rãi, đủ để du khách chiêm ngưỡng, dạo chơi, chụp ảnh. Anh Nguyễn Quyết Tiến (tổ 6, khu 8, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long), cho biết: “Đã 4 mùa đến tham quan lễ hội hoa anh đào, nhưng lần này tôi thấy Lễ hội được tổ chức quy mô nhất, hoa nhiều nhất, đẹp nhất. Thêm nữa, sự xuất hiện của mai vàng Yên Tử đã khiến Lễ hội rực rỡ hơn, nhiều người cũng biết đến mai vàng Yên Tử hơn...”.
Bên cạnh “triển lãm kép” hoa anh đào và mai vàng Yên Tử, Lễ hội còn giới thiệu đến du khách những nét đặc sắc của nền văn hoá Nhật Bản cũng như tiềm năng, thế mạnh về du lịch, thương mại và văn hoá Hạ Long, Yên Tử - Quảng Ninh đến với nhân dân Nhật Bản. Điều này được thể hiện rõ ở những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc mà các nghệ sĩ Nhật Bản, Việt Nam mang tới trong đêm khai mạc Lễ hội; những gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, văn hoá, ẩm thực, thời trang, hàng gia dụng, tạp hoá, lưu niệm, sinh vật cảnh... của Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh và Nhật Bản. Khu vực này thu hút rất đông du khách đến tham quan, mua sắm. Các gian hàng OCOP của các địa phương trong tỉnh cũng vẫn luôn nhận được sự ủng hộ của người tham quan Lễ hội. 


Gian hàng dành để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của Nhật Bản nhưng lại bày bán đồ gốm sứ Bát Tràng, Việt Nam.

Kết quả đạt được Và những trăn trở
Đây là lần thứ tư Lễ hội hoa Anh đào diễn ra tại Hạ Long, cũng là lần đầu tiên có sự xuất hiện của hoa mai vàng Yên Tử, nên lượng khách đổ về rất đông. Theo Ban Tổ chức, số lượng khách đến Lễ hội lên đến trên 70.000 lượt người, Ban Tổ chức đã phải kéo dài thêm 1 ngày để đáp ứng nhu cầu của du khách. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ, đồng thời khẳng định sự thành công của Lễ hội. Đây cũng là một trong những hoạt động ấn tượng, khởi đầu cho Tuần Du lịch Hạ Long Quảng Ninh 2016.
Bên cạnh giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch, thương mại và văn hoá của 2 nước Việt Nam - Nhật Bản, Lễ hội còn nhằm tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Quảng Ninh và các địa phương, cơ quan, tổ chức của Nhật Bản; thu hút sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản, nhân dân và khách du lịch; tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư phát triển về du lịch, thương mại giữa các doanh nghiệp 2 nước. Do đó, trong khuôn khổ Lễ hội đã diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư về phát triển du lịch và môi trường. Hội nghị đã đưa ra một thực tế: Hàng năm, có khoảng trên 600.000 khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam, tuy nhiên chỉ có khoảng 10% trong số đó đến Quảng Ninh, thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác. Làm sao để khách du lịch Nhật Bản lưu trú lại Quảng Ninh lâu hơn cũng là một vấn đề được hai bên cùng quan tâm, bàn bạc. Theo đó, để giải quyết vấn đề này, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, Quảng Ninh cần đầu tư hơn nữa cho dịch vụ lưu trú, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch; vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường cần tiếp tục được cải thiện...
Nhìn lại Lễ hội vừa diễn ra, bên cạnh những thành công đã được nhân dân, du khách ghi nhận, vẫn còn một số điều cần bàn thêm. Đó là sự ít ỏi, thưa thớt của các gian hàng, sản phẩm đến từ Nhật Bản; nhiều gian hàng, sản phẩm về thời trang, đồ dùng gia đình không mấy đặc sắc, giống như hàng giá rẻ; các gian hàng ẩm thực chưa thực sự đặc trưng cho văn hoá ẩm thực của hai nước... Thêm nữa, khu vực tổ chức Lễ hội rộng lớn, với hàng nghìn lượt du khách đến mỗi ngày nhưng Ban Tổ chức chỉ bố trí một vài nhà vệ sinh di động, chưa thực sự đảm bảo vệ sinh môi trường, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách cũng như sự văn minh của một thành phố du lịch mà TP Hạ Long đang hướng tới.

Theo Hoàng Nhi/ Báo Quảng Ninh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Top