Home » , » Then Bình Liêu di sản văn hóa phi vật thể

Then Bình Liêu di sản văn hóa phi vật thể

Câu lạc bộ hát Then đầu tiên ở Bình Liêu được thành lập năm 2006 và được gọi tên theo địa danh là “Câu lạc bộ hát Then thị trấn Bình Liêu”.
Là một huyện miền núi, vùng cao, biên giới ở vùng Đông-Bắc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu có dân số 28.479 người (số liệu đến 31/12/2009), mật độ dân số trung bình là 55,1 người/km2, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 95,3% dân số huyện.
Huyện Bình Liêu có 08 đơn vị hành chính, gồm 07 xã, 01 thị trấn, trong đó có 104 thôn, bản, khu phố; có 6/7 xã biên giới, 5/7 xã đặc biệt khó khăn. Diện tích tự nhiên của huyện là 471,38 km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm 15,6%, đất lâm nghiệp chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của toàn huyện; có tuyến biên giới dài 42, 84 km tiếp giáp huyện Phoòng Thành (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), có cửa khẩu quốc gia Hoành Mô và Điểm Thông quan Đồng văn. Do vậy, Bình Liêu không chỉ là nơi giao lưu, buôn bán hàng hoá mà còn có thể giao lưu, giao thoa văn hóa giữa nước ta và nước bạn Trung Quốc.
Huyện Bình Liêu có 07 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: Tày, Sán Chỉ, Dao, Hoa, Sán Dìu, Nùng và Kinh. Đồng bào các dân tộc ở đây sống quần tụ, đoàn kết ở mọi thời điểm lịch sử. Mỗi dân tộc có tiếng nói, trang phục, kiến trúc- nghệ thuật, phong tục, tập quán riêng. Song, họ đều rất trân trọng những nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình và của các dân tộc anh em khác. Mặc dù hiện tại vẫn còn khó khăn về kinh tế, nhưng đồng bào các dân tộc Bình Liêu đều lo gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc mình: Người Dao, người Sán Chỉ thêu dệt những bộ trang phục đặc sắc, hát giao duyên; người Tày gìn giữ các làn Then độc đáo.
Then Tày như một món ăn tinh thần không thể thiếu của người Tày xưa. Một thời, Then Tày ở Bình Liêu gần như bị mai một do sự xô đẩy của kinh tế thị trường và sự lai căng, du nhập văn hóa ngoại lai ở một địa phương vùng biên giới. Đáng mừng rằng, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương huyện Bình Liêu sớm nhận thức được giá trị của Then Tày, trân trọng và nỗ lực giữ gìn Then như tài sản vô giá của mình. Người được gọi là “kho cất giữ”, đồng thời là người sáng tác và bảo tồn Then Tày ở Bình Liêu là cụ Ngô Đức Nguyên (cụ đã qua đời năm 2011). Bên cạnh cụ Nguyên, người ươm mầm cho Then Tày phát triển để nhân rộng mô hình phải kể đến ông Hoàng Quý và ông Trần Đức Xuân ở thị trấn Bình Liêu. Hai ông đã lưu truyền, sáng tác nhiều bài hát Then và thành lập ra Câu lạc bộ hát Then đầu tiên ở Bình Liêu.
Câu lạc bộ hát Then đầu tiên ở Bình Liêu được thành lập năm 2006 và được gọi tên theo địa danh là “Câu lạc bộ hát Then thị trấn Bình Liêu”. Câu lạc bộ có 16 người. Năm 2009, một thành viên Câu lạc bộ đã tách về xã Tình Húc để thành lập “Câu lạc bộ hát Then xã Tình Húc” gồm 20 người. Đến năm 2011, tại xã Vô Ngại cũng cho ra đời Câu lạc bộ hát Then gồm 10 người.
Gần đây, hát Then được lan rộng đến học đường, đến giới trẻ “tuổi teen” - cái tuổi mà ai cũng nghĩ giờ chỉ hát nhạc Rốc, Ráp và nhảy hiphop chứ ai ngờ rằng hiện giờ giới trẻ của Bình Liêu, ngay cả những bạn không phải là người Tày (người Nùng, người Sán Chỉ, người Kinh) cũng tham gia Câu lạc bộ hát Then và mê Then. Thầy giáo trẻ người Tày Tô Đức Hiệu, hiện đang giảng dạy tại Trường Phổ thông cơ sở xã Hoành Mô đã vận động được nhiều học sinh, thanh niên, giáo viên trẻ tham gia Câu lạc bộ hát Then mang tên “Câu lạc bộ Giai điệu quê hương”. Anh và giới trẻ của huyện Bình Liêu đang là niềm tin của đồng bào Tày cũng như nhiều đồng bào dân tộc khác trên địa bàn huyện trong nhiệm vụ lưu truyền, bảo tồn và phát triển giá trị Then Tày, văn hoá truyền thống của người Tày.
Ngày nay, các Câu lạc bộ hát Then ở Bình Liêu được tiếp tục phát triển, nhân rộng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều làn điệu Then được cách tân, song vẫn đảm bảo tính cổ truyền, nội dung mộc mạc mà đặc sắc, phù hợp với sự đổi mới của quê hương, đất nước.
Là một huyện miền núi, vùng cao, biên giới; điều kiện tự nhiên còn khó khăn, trong những năm qua, huyện Bình Liêu đã phát triển khá đồng đều về kinh tế -   văn hoá - xã hội. Bình Liêu có nhiều lễ hội truyền thống như Lễ hội Đình Lục Nà, Soóng Cọ… Đó là nơi tạo môi trường thuận lợi cho việc giao lưu văn hoá nói chung, trong đó có giao lưu, phát triển các làn điệu Then Tày.
Bảo tồn, truyền bá, phát huy các giá trị then Tày ở Bình Liêu cũng là việc góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, bởi các giá trị văn hoá truyền thống chính là Cái Hồn Thiêng của mỗi dân tộc./.
                                                                                             BTV Ân Thị Thìn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Top