Home » » Các giá trị văn hóa của Bình Liêu

Các giá trị văn hóa của Bình Liêu

Trải qua những chặng đường lịch sử, đồng bào các dân tộc Bình Liêu luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau cùng đấu tranh với thiên nhiên khắc nhiệt, đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược để xây dựng cuộc sống. Qua đó, các dân tộc có sự giao thoa lẫn nhau về phong tục, tập quán sản xuất, sinh hoạt văn hóa, làm cho đời sống văn hóa ở Bình Liêu có nhiều mảng mầu, sắc thái khác nhau…
1. Các giá trị văn hóa phi vật thể
1.1.Ngôn ngữ
Bình Liêu có nhiều dân tộc cùng sinh sống như: Tày, Dao, Sán Chỉ… trong đó dân tộc Tày là chủ yếu. Tiếng nói của dân tộc Tày đã phát triển khá cao, hệ thống từ vựng của thứ tiếng này rất phong phú, đủ sức phản ánh những nội dung liên quan đến các vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội.
Tiếng Tày và tiếng Dao đã phát triển đến chữ viết, đó là loại chữ Nôm Tày, chữ Nôm Dao. Các loại chữ này được sử dụng trong việc ghi chép các sách cúng cũng như trong sáng tác văn học nghệ thuật dân tộc.

1.2. Tín ngưỡng, tôn giáo
Tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc huyện Bình Liêu trước hết là thờ cúng tổ tiên, sau đó là tín ngưỡng đa thần giáo, tin vào vạn vật hữu linh, chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo.
Trong nhà mỗi gia đình đều đặt bàn thờ để thở cúng tổ tiên của gia đình, dòng họ mình. Một số dòng họ có người làm thầy cúng còn phải có bàn thờ tổ sư nghề thầy cúng riêng. Bàn thờ trong từng gia đình được gia chủ chăm sóc hàng ngày và thắp hương vào ngày mồng 1, ngày rằm hàng tháng.
Đình Lục Nà là công trình tín ngưỡng văn hóa chung của cả huyện – nơi đây thờ vị anh hùng dân tộc Hoàng Cần, người đã có công dẹp giặc, giữ yên bản làng. Ngoài ra, mỗi thôn bản đều có miếu thờ Thổ công riêng được thôn bản đó chăm sóc và thờ cúng.
Trong cuộc sống đời thường, ảnh hưởng của Phật giáo thể hiện qua quan niệm “Ở hiền gặp lành”, con người sống rất thương yêu nhau, người ta ít mắng chửi nhau, hầu như không mắng chửi con cái trong gia đình, không làm điều ác, điều thất đức, làm điều phúc cho thiên hạ không bao giờ nghĩ đến sự trả ơn.
Ảnh hưởng của Đạo giáo thể hiện rõ ở các tục lệ cúng bái chữa bệnh, ở các việc bói toán, xem tướng số, sự hành nghề của một số người thầy cúng, tiêu biểu là các nghi lễ Then cổ của dân tộc Tày.

1.3. Văn học, nghệ thuật dân gian
Ở Bình Liêu, trong văn hóa dân gian, đáng chú ý là kho tàng truyện thơ Nôm truyền miệng với nội dung khá đa dạng. Chủ đề của các truyện thơ là ca ngợi tình yêu và mơ ước được học hành của đồng bào.
Các làn điệu dân ca có thể kể đến là: Hát then của dân tộc Tày, hát Sóong Cọ của dân tộc Sán Chỉ, hát Sán Cố của dân tộc Dao. Đây là những làn điệu dân ca trữ tình không chỉ được dùng để tỏ tình giữa thanh niên nam nữ mà còn được dùng để bày tỏ tình cảm giữa các bậc trung niên trong đám cưới, dịp lên nhà mới hoặc bày tỏ tình cảm đau thương của con cháu với ông bà, cha mẹ trong đám tang.
Nhạc cụ nổi tiếng là chiếc đàn tính được sử dụng cùng với làn điệu Then. Ngoài ra còn có sáo, nhị, kèn…

1.4. Lễ hội
Lễ hội được thực hiện theo đơn vị thôn bản – thiết chế xã hội cổ truyền của các dân tộc. Các lễ hội thông thường được bắt nguồn từ những hoạt động đời thường nhất là hoạt động kinh tế và mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn của người dân. Ở Bình Liêu có nhiều các lễ hội khác nhau, chia thành những loại chính: Tết năm mới, Tết thanh minh, Tết đoan ngọ, các lễ hội: cầu mùa, cầu an, cầu tự…
 Lễ hội đặc sắc nhất ở Bình Liêu là lễ hội đình Lục Nà, được tổ chức từ 15 đến 17 tháng Giêng Âm lịch. Trong lễ hội ngoài các trò diễn dân gian như: kéo co, đẩy gậy, ném còn, đánh quay,… không thể thiếu là các làn điệu Then, Sóong Cọ, Sán Cố.

2. Các giá trị văn hóa vật thể
2.1 Thôn bản
Dân cư Bình Liêu sinh sống quần tụ thành các thôn, bản. thôn, bản thường hình thành trên các sườn đồi, sườn núi, gần đất sản xuất, gần nước sinh hoạt và gần các gia đình trong họ hàng và những gia đình đã quen biết từ trước. Mỗi thôn, bản có địa giới, được quy định bởi các mốc tự nhiên như một con đường, một con suối, một gốc cây cổ thụ, một cái đèo, một chỗ ngoặt trên đường đi…Địa giới của thôn, bản không được ghi thành văn bản, mà chỉ là những quy ước bằng miệng theo luật tục, nhưng được người dân hiểu rõ và tuân thủ nghiêm túc
Cư dân trong một thôn bản ràng buộc với nhau bởi quan hệ văn hóa, thể hiện ở việc thờ cúng thổ công chung, cùng nhau tổ chức lễ hội, hình thành các hội giúp nhau trong sản xuất khi vào thời vụ, trong việc cưới hỏi, tang ma…
2.2. Nhà ở
Nhà ở của đồng bào các dân tộc trước đây cơ bản là nhà đất. Kỹ thuật làm nhà của đồng bào là cột, kèo, xà gắn với nhau làm thành bộ khung chịu lực cho toàn bộ mái và và trọng lượng các đồ dùng để ở trên gác. Một ngôi nhà thông thường của đồng bào là nhà ba gian hai mái. Mái nhà được lợp bằng ngói âm dương. Nhà có hai cửa ra vào, một cửa chính mở ở gian giữa, phía trước nhà; một cửa phụ mở ở gian cạnh, phía sau nhà. Hướng nhà thường phụ thuộc vào thế đất nơi làm nhà: trước nhà là nơi bằng phẳng, thoáng, có tầm nhìn xa, sau nhà là nơi có đất dốc, có cây cối, hoặc có nương…
Tập quán sử dụng ngôi nhà phụ thuộc vào tập quán của từng dân tộc, song có một số nét chung là: Gian giữa dùng làm nơi sinh hoạt chung của gia đình và cũng là nơi tiếp khách, đồng thời cũng là nơi đặt bàn thờ tổ tiên; một gian bên cạnh để đặt bếp nấu ăn và làm buồng ngủ cho phụ nữ; còn gian bên cạnh khác dành cho nam giới. Ngày nay việc xây nhà của đồng bào đã được cải tiến nhiều phù hợp với khoa học và xu thế phát triển của xã hội.
2.3. Trang phục
Là cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, các dân tộc huyện Bình Liêu cũng trồng bông và nuôi tằm để ươm tơ để dệt vải làm quần áo. Bộ y phục của đồng bào gồm có mũ (khăn đội đầu), áo, quần (váy), thắt lưng, tạp dề. xà cạp. Về kiểu dáng, bộ y phục của phụ nữ và nam giới có sự khác nhau.
Kỹ thuật thực hiện hoa văn trên trang phục ở mỗi dân tộc khác nhau: người Dao thêu bằng chỉ thêu với các màu sắc sặc sỡ, người Tày và người Sán Chỉ nhuộm chàm.
Đồ trang sức của đồng bào thường làm bằng bạc. Nó có giá trị làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, làm đẹp cho chị em phụ nữ, đồng thời nó là cơ hội để phô bày sự giàu sang của chủ nhân mang nó. Ngoài ra, trang sức còn có giá trị như bùa hộ mệnh, chữa bệnh, nhất là đối với trẻ con, bởi vì bạc là chất kị gió.
2.4. Ẩm thực
Cuộc sống của đồng bào gắn bó với thiên nhiên, do đó, nguồn lương thực, thực phẩm chính của họ là những sản phẩm thu được từ hoạt động sản xuất ở vùng có rừng, sông, suối, đồi núi bao quanh. Đó là thóc, gạo, ngô, khoai, sắn, đậu, đỗ cùng các loại rau quả do trồng trọt trong vườn hoặc hái lượm trong rừng, các loại thuỷ sản như cá, tôm, cua do nuôi thả và đánh bắt ở sông suối, các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, gà, vịt hoặc chim, thú săn bắt ở trong rừng. 

Có rất nhiều món ăn đặc trưng của từng dân tộc được chế biến cầu kì, mang đậm nét đặc trưng như: xôi ngũ sắc, các loại bánh, khau nhục, nằm quắt… mang lại hương vị khác biệt cho mỗi du khách khi đến với Bình Liêu.
TÔ ĐÌNH HIỆU

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Top